Hiện tại hầu hết các doanh nghiệp vẫn chủ động đủ nguồn cung nguyên liệu đến hết tháng quý I -2020 nên nhiều ý kiến cho rằng, có thể từ quý II ngành dệt may sẽ bị tác động nhiều hơn từ dịch Covid-19.
Lo ngại thiếu nguồn cung trong ngắn hạn
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp dệt may, dù hiện tại sản xuất của họ vẫn diễn ra bình thường nhưng từ quý II tới nếu như nguồn cung chưa được cải thiện thì nhiều nhà máy khó duy trì hoạt động. Đại diện Tổng công ty 28 cho biết, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nguồn cung nguyên liệu của doanh nghiệp này đã bị thiếu hụt trầm trọng do hầu hết phải nhập từ Trung Quốc.
Tương tự, đại diện của Công ty May Sông Hồng khẳng định dù hiện tại việc sản xuất vẫn đang diễn ra bình thường vì công ty có đầy đủ hàng tồn kho để sản xuất trong quý I-2020. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc, công ty cho rằng khả năng thiếu hụt nguồn nguyên liệu trong quý 2-2020 là điều khó tránh khỏi.
Tình trạng này cũng diễn ra với May Sài Gòn 3. Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT của May Sài Gòn 3 cho hay, hiện doanh nghiệp này chỉ đủ sản xuất đến tháng 3, các tháng tới chưa biết xoay sở như thế nào.
Theo các doanh nghiệp, trong ngắn hạn, ngành dệt may tiếp tục thiếu nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc do dịch virus Covid-19 bùng phát. Nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã gia tăng thời gian đóng cửa kể từ Tết Nguyên đán, khiến việc sản xuất vải bị trì hoãn ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sang Việt Nam. Dù các nhà cung cấp từ Trung Quốc sẽ quay trở lại sản xuất từ ngày 20/2/2020, nhưng hiện vẫn chưa rõ công suất sản xuất khi các nhà máy hoạt động trở lại.
Ứng phó với tình trạng này, May Sài Gòn 3 và May Sông Hồng đang thương lượng với các đối tác để tìm nguồn cung thay thế nhưng khả năng chuyển sang nhập nguyên liệu từ nước khác ngoài Trung Quốc là rất thấp.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI, việc gián đoạn sản xuất của Trung Quốc do dịch bệnh chưa được khống chế sẽ khiến nhiều đơn hàng mà các công ty Việt Nam phải giao cho khách hàng bị chậm trễ, điều này đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của hầu hết các công ty may mặc.
Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến nhận định rằng doanh nghiệp dệt may có thể phải điều chỉnh kế hoạch năm 2020. Chẳng hạn với May Sông Hồng, theo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, trước đây May Sông Hồng đã lên kế hoạch cho năm 2020 về doanh thu FOB đạt 165 triệu USD (tăng 10% so với 2019) và doanh thu mảng chăn ga gối đệm tăng 150%. Song với diễn biến dịch còn phức tạp như hiện nay, chưa kể tới kết quả kinh doanh kém của mảng chăn ga gối đệm trong năm 2019 thì doanh nghiệp này cần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp.
Chưa thể trông chờ vào EVFTA?
Song song với việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, nhiều doanh nghiệp dệt may đang trông chờ vào Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mới được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn gần đây để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên theo phân tích của SSI thì nhiều khả năng các sản phẩm may mặc trong nước sẽ chưa thể hưởng lợi từ EVFTA.
Lý do, theo cam kết trong EVFTA thì Việt Nam được hưởng lợi từ chương trình Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU dành cho các nước đang phát triển, với mức thuế suất ưu đãi là 9% đối với một số dòng thuế hạn chế. Như vậy, sau khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế suất theo Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) sẽ tự động thay thế mức thuế suất theo GSP. Điều đó có nghĩa là trong 2 năm đầu tiên triển khai EVFTA, hầu hết các sản phẩm may mặc trong nước sẽ không được hưởng lợi từ EVFTA, bởi vì mức thuế suất theo MFN cho các sản phẩm này thực tế cao hơn mức thuế suất theo GSP là 9% như hiện nay.
Bên cạnh đó, theo quy tắc xuất xứ trong EVFTA (ROO), các loại vải được sử dụng để sản xuất sản phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU, và các công đoạn cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam.
Chính vì vậy, để hưởng lợi thuế suất ưu đãi từ FTA này, việc đáp ứng quy tắc xuất xứ là cấp bách và các doanh nghiệp dệt may phải nỗ lực để tăng tỷ lệ sử dụng vải trong nước trong đơn đặt hàng FOB sang EU. Bên cạnh đó, có một số điểm linh hoạt mà doanh nghiệp có thể chú ý như hàng may mặc được sản xuất tại Việt Nam từ các loại vải được sản xuất tại Hàn Quốc mà EU có FTA cũng sẽ đủ điều kiện để được miễn thuế.